Làm gì cho hết một ngày ở Củ Chi

Dám cá với các bạn một điều rằng trong chúng ta ít ai nghĩ đến việc dành một ngày để thăm địa đạo Củ Chi cũng như khám phá ẩm thực vùng đất anh hùng này. Nhân dịp có chị bạn từ Hà Nội vào thăm Sài Gòn, thế là hai chị em xách xe máy chạy thẳng đến địa đạo Củ Chi mà trong đầu vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể là gì.

Địa đạo Củ Chi?

Đi địa đạo á? Em chưa đi bao giờ, lên xe đi luôn nhá.

Ừ đi thì đi!

8h sáng hai chị em xuất phát từ sân bay theo hướng Cộng Hòa, thẳng đến Trường Chinh để đi về Củ Chi.

Đoạn đường từ trung tâm Sài Gòn đi đến địa đạo cũng khá là đơn giản, chỉ cần dùng google maps tìm kiếm Địa Đạo Củ Chi và đi theo bản đồ là đến nơi. Cá nhân mà nói mình không nghĩ Củ Chi rộng đến vậy, giữa đường sẽ đi qua một đoạn đường hai bên là ruộng lúa vàng ươm, qua hết ruộng lúa sẽ đến đoạn đường bê tông hai bên là rừng tràm cao vút, cảm giác chạy xe máy dưới bóng cây và hít thở mùi không khí trong lành “bao phê”.

Thấy ruộng là tới Củ Chi

Sau 1 tiếng 45 phút đi xe máy mình đã đến được địa đạo, mình khá là ngợp vì không nghĩ lại có rất nhiều khách du lịch đến đây như vậy, điều làm mình bất ngờ hơn nữa chính có đến 98% khách đến tham quan địa đạo là người nước ngoài. Cảm giác mình khá là buồn khi thấy ít người Việt đến tìm hiểu về lịch sử như vậy, những người việt ở đây hầu như đều là các anh chị hướng dẫn viên.

Thực tế ở Củ Chi có hai địa đạo là Bến Dược và Bến Đình, đi từ Sài Gòn chúng ta sẽ đến Bến Dược trước, đây cũng là nơi mà hầu hết các công ty du lịch đưa khách đến tham quan và trải nghiệm, bỏ qua Bên Dược đi tiếp một đoạn xa nữa sẽ là Bến Đình. Bến Đình mới chính là nơi có hệ thống địa đạo rộng và phức tạp hơn rất nhiều so với Bến Dược.

Cổng chào địa đạo Bến Dược

Sau khi mua vé vào tham quan, đi theo biển chỉ dẫn đến cổng soát vé. Qua khu vực này là đến khu vực tham quan,đầu tiên hướng dẫn viên đưa chúng mình đến phòng tư liệu để nghe hướng dẫn về hệ thống địa đạo. Sau khoảng 10′ nghe hướng dẫn, mình ra ngoài để tham quan cách dân quân đã ngụy trang dưới hầm như thế nào, các bạn tây khá là thích thú với việc thử chui xuống hầm.

Ai cũng có thể trải nghiệm ngụy trang nhưng chủ yếu là các bạn du khách rất thích thú

Suốt quá trình tham quan sẽ luôn có hướng dẫn viên của địa đạo đi theo và giải thích cho du khách về tất cả từ cách ngụy trang, sinh hoạt, khu vực nấu nướng, làm bẫy, …Mình đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được tận mắt chứng kiến cách mà các anh hùng thời xưa chế tạo vũ khí, nhặt từng vỏ đạn thừa, đào từng lối đi trong hầm,..tất cả đều chỉ dùng tay hoặc những công cụ thô sơ nhất.

Phong cảnh ở địa đạo vẫn còn nguyên sơ

Tham quan một vòng địa đạo, đến phần hồi hộp nhất là lúc trải nghiệm chui hầm, lần đầu chui vào hầm khá sợ vì trong đó rất tối, chỉ có một ít đèn đủ sáng để nhìn được bước chân, khi di chuyển trong hầm phải hơi khom người và di chuyển thật nhanh. (Nói vui nè trong hầm đừng xì hơi à nghen). Điều này mình thật sự nể phục những người thời xưa có thể nhanh trí để sáng tạo ra việc giao thông dưới lòng đất, ra khỏi hầm mồ hôi nhễ nhại, cuối tour sẽ được anh hướng dẫn viên đưa vào khu trải nghiêm ăn khoai mì hấp, lương thực chính của các anh hùng xưa trong thời chiến.

Không gian trong hầm rất tối, mình chỉ có thể đi được đoạn ngắn vì nóng và thiếu không khí

Kết thúc tour tham quan địa đạo Củ Chi, mình thấy khá là thích và tự hỏi sao mọi người dân chúng ta lại ít tìm hiểu về những nơi hay như thế này. Ngoài việc tham quan địa đạo, ai cũng có thể trải nghiệm dịch vụ bắng súng thật ở đây, giá cho mỗi viên đạn là 50k – 65k (ở đây chỉ bán lần 10 viên, không thể mua lẻ). Đạn bắn sẽ dùng súng Aka có hướng dẫn viên hướng dẫn khi bạn bắn, nhìn trường bắn và trải nghiệm cảm giác này phải nói là rất yomost.

Giá vé tham quan : người Việt Nam 20k, người nước ngoài 110k.

Sau khi tham quan xong địa đạo Bến Đình, chúng mình xuất phát đi ăn trưa. Địa điểm mình nhắm đến là quán bò tơ Xuân Đào (đến Củ Chi mà bỏ qua món bờ tơ là phí lắm). Ở đây mình ăn thử bắp bò cuốn bánh tráng, bò kho xả và cháo dựng bò ( nghe tên thấy lạ quá ha). Đánh giá về món ăn thì chấm 8/10, khi ăn cảm nhận được miếng bò rất ngon, có một cái khá lạ với mình là món cháo dựng bò nấu chung với khoai mì. Lần đầu tiên mình ăn thử kiểu này và thấy nó rất là ngon, cháo nấu chung với đậu xanh và nghệ, khoai mì kèm với đu đủ hầm nhừ ăn cảm nhận được tất cả các vị đặc biệt là gân bò rất mềm. Giá cả ở quán cũng khá là hợp lý trung bình 150k/món (2 – 3 người ăn no).

Cháo dựng bò món nhất định phải ăn thử ở đây

Sau khi rời quán bò Xuân Đào, mình lại chạy thẳng đến nước mía Vườn Cau vì 2 địa điểm này nằm gần nhau. Ở đây mình có thử món nước mía đậu xanh sầu riêng, khoai mì non hấp cốt dừa, bánh tằm hấp cốt dừa. Cá nhân đánh thì nước mía rất ngon, vị sầu riêng kết hợp với đậu xanh vừa thơm sầu riêng mà lại không quá ngọt, khoai mì non nên khi ăn thấy dẻo và ngon, bánh tằm mềm hấp với cốt dừa vị khá vừa chứ không hệ bị ngọt.

Sau khi đánh chén no nê mình kết tour tại nước mía Vườn Cau

Giá cả:

Nước mía đậu xanh sầu riêng : 15k

Nước mía thường: 5k

Khoai mì hấp cốt dừa: 5k\dĩa

Bánh tằm hấp cốt dừa : 5k\ dĩa

Nếu mùa dịch này chúng ta không thể vi vu đến những nơi đất nước hoặc thành phố khác thì mình nghĩ những địa điểm xung quanh Sài Gòn cũng là một lựa chọn rất thú vị, khách đến địa đạo chủ yếu là các bạn nước ngoài mà với tình hình hiện tại nếu đến địa đạo thời điểm này chắc chắn khá là vắng vẻ và chúng ta sẽ có nhiều thời gian để trải nghiệm và khám phá về lịch sử nước nhà.

Chúc các bạn và gia đình có một chuyến tham quan vui vẻ 😀

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *